MẠCH ĐIỀU KHIỂN 2 VÀ 3 MÁY BƠM CHẠY LUÂN PHIÊN
Tại sao lại dùng mạch động cơ chạy luân phiên? Sơ đồ đấu nối mạch điều khiển 2 và 3 máy bơm chạy luân phiên 2 chế độ Man/Auto chi tiết.
Mạch động cơ chạy luân phiên dùng để làm gì?
Trong thực tế, có nhiều ứng dụng đòi hỏi động cơ phải hoạt động liên tục. Chẳng hạn như bơm nước sinh hoạt hay bơm nước vào bể chứa. Một động cơ nếu hoạt động liên tục trong thời gian dài sẽ sinh ra nhiệt bên trong, dẫn tới giảm tuổi thọ động cơ. Giải pháp ở đây là sử dụng mạch điều khiển chạy luân phiên 2 hoặc 3 động cơ để giảm sức ép lên từng động cơ.
Mạch luân phiên 2 chế độ MAN/AUTO
Mạch điều khiển 2 và 3 máy bơm chạy luân phiên có thể được cài đặt ở 2 chế độ: bằng tay (MAN) và chạy tự động (AUTO).
Chế độ MAN sẽ điều khiển độc lập các động cơ bằng các bộ nút nhấn ON, OFF cho từng động cơ. Chế độ tự AUTO các động cơ chạy trong khoảng thời gian đặt trước sau đó ngưng và bật động cơ tiếp theo.
Mạch điều khiển 2 máy bơm chạy luân phiên
Sơ đồ mạch điều khiển 2 máy bơm chạy luân phiên
+ Ở phần động lực mỗi động cơ sẽ được điều khiển đóng cắt trực tiếp thông qua Contactor và được bảo vệ quá tải bằng rơ le nhiệt riêng.
+ Ở mạch điều khiển: công tắc MODE với chức năng chọn chế độ MAN hoặc AUTO nối với cuộn dây của rơ le trung gian. Ứng với mỗi động cơ sẽ có một mạch điều khiển bật, tắt bằng nút nhấn và rơ le thời gian ON Delay điều khiển thời gian chạy cho mỗi động cơ.
Nguyên lý hoạt động mạch điều khiển 2 máy bơm chạy luân phiên
– Ở chế độ AUTO
+ Là khi công tắc MODE không được tác động, cuộn rơ le không được cấp điện. Do đó tiếp điểm thường đóng RL 11, 12 của rơ le luôn đóng, nên Timer T1 sẽ được cấp điện khi động cơ M1 chạy và Timer T2 được cấp điện khi động cơ M2 chạy.
+ Khi nhấn nút ON1, cuộn dây K1 được cấp điện nên động cơ M1 chạy, đồng thời Timer On Delay T1 bắt đầu đếm thời gian. Tiếp điểm K1 đóng lại tự giữ cho nút nhấn ON1
+ Khi Timer T1 đếm đến thời gian đặt trước thì tiếp điểm thường mở T1 67, 68 đóng lại nên cuộn K2, hút động cơ M2 chạy. Tiếp điểm thường hở K2 13, 14 đóng lại duy trì cấp điện cho cuộn K2 và Timer T2.
Đồng thời thường đóng T1 55, 56 mở ra ngắt điện động cơ M1 và Timer T1. Lúc này động cơ 1 dừng và động cơ 2 chạy, Timer 2 bắt đầu đếm thời gian.
+ Tương tự khi Timer T2 đếm đến thời gian đặt trước thì thường hở T2 đóng lại cấp điện cho động cơ M1 chạy lại. Đồng thời tiếp điểm thường đóng T2 mở ra ngắt điện động cơ M2 và Timer T2.
+ Khi động cơ M1 đang chạy nhấn OFF1 để dừng hệ thống, khi động cơ M2 đang chạy thì nhấn OFF2 để dừng.
+ Tiếp điểm thường đóng ORL 95, 96 của rơ le nhiệt sẽ mở ra ngắt điện của động cơ khi có sự cố quá tải.
– Chế độ MAN
+ Chế độ điều khiển tay hoạt động khi công tắc MODE được tác động. Cuộn dây rơ le được cấp điện nên tiếp điểm thường đóng nối với cuộn dây Timer1 và Timer2 mở ra. Hai Timer này sẽ không được cấp điện trong suốt quá trình hoạt động. Lúc này hai động cơ sẽ hoạt động độc lập với nhau hoàn toàn.
+ Khi nhấn ON1 thì khởi K1 đóng cấp điện động cơ M1 chạy, nhấn OFF1 thì động cơ M1 dừng.
+ Nhấn ON2 thì khởi K2 đóng cấp điện cho động cơ M2 chạy, nhấn OFF2 thì động cơ M2 dừng.
+ Các nút nhấn sau khi tác động được tự giữ bởi tiếp điểm thường hở K mắc song song với nó.
Mạch điều khiển 3 động cơ chạy luân phiên
Đây là mạch mở rộng của mạch 2 động cơ, qua mạch này ta có thể phát triển nhiều động cơ chạy luân phiên nữa. Do T3 kích lặp lại M1, T1 kích lặp lại M2 và T2 kích lặp lại M3 nên thứ tự các động cơ chạy ở chế độ tự động sẽ là M1, M2, M3
Sơ đồ mạch điều khiển 3 máy bơm chạy luân phiên
Nguyên lý hoạt động điều khiển 3 động cơ chạy luân phiên
Nguyên lý hoạt động của mạch này tương tự mạch 2 động cơ luân phiên.
– Ở chế độ AUTO
+ Khi nhấn nút ON, khởi được cấp điện thì Timer cũng hoạt động. Timer tự động kích động cơ tiếp theo chạy khi đến thời gian đặt trước và đồng thời ngắt điện động cơ đang chạy.
+ Khi muốn chạy động cơ nào trước chỉ cần nhấn nút ON tương ứng điều khiển động cơ đó chạy trước. Ví dụ nhấn ON2 thì động cơ M2 chạy, sau đó đến động cơ M3, động cơ M2 và lặp lại.
– Ở chế độ MAN
+ Các timer sẽ không được cấp điện trong suốt quá trình hoạt động nên 3 điều khiển 3 động cơ độc lập với nhau hoàn toàn.
TRUNG TÂM TỰ ĐỘNG HÓA CÔNG NGHIỆP PLCTECH
Hà Nội: Số 11 Ngõ 2E Dịch Vọng – Cầu Giấy
HCM: 97 Đường Số 3 – Hiệp Bình Phước – TP. Thủ Đức
SĐT/Zalo: 0987 635 127
Website: https://plctech.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/PLCTechHN
Email: plctech.daotao@gmail.com